Tình Hình Kinh Tế 2023 Voz Tv Programa De Tv Para

Tình Hình Kinh Tế 2023 Voz Tv Programa De Tv Para

This site uses cookies from Google to deliver its services and to analyze traffic. Information about your use of this site is shared with Google. By clicking "accept", you agree to its use of cookies.

This site uses cookies from Google to deliver its services and to analyze traffic. Information about your use of this site is shared with Google. By clicking "accept", you agree to its use of cookies.

ĐĂNG KÝ TẠI TỔNG ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIETTEL

SỐ HOTLINE TỔNG ĐÀI TRUNG TÂM (24/24)

TP Hồ Chí Minh và các tỉnh còn lại

BỐI CẢNH KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC

Tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, nhanh và khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự leo thang ở một số quốc gia tác động đến hòa bình, ổn định trên thế giới, làm suy giảm hệ thống thương mại, đầu tư, sản xuất và tiêu dùng. Cùng với đó, thiên tai, thời tiết cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của dân cư và phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Tuy nhiên, sau nhiều biến động, kinh tế thế giới đang dần ổn định khi thương mại hàng hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, điều kiện tài chính đang tiếp tục được nới lỏng, nguồn cung lao động gia tăng. Kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi nhưng chậm. Trong tháng 9/2024, hầu hết các tổ chức quốc tế đều nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 0,1 đến 0,3 điểm phần trăm so với các dự báo trước đó, đạt từ 2,7% đến 3,2%, tương đương tăng trưởng năm 2023.

Liên Hợp Quốc (UN)[1] dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 2,7%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024; Fitch Ratings (FR)[2] dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt 2,7%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2024; tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD)[3] dự báo đạt 3,2%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng 5/2024; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)[4] dự báo đạt 3,2%, giữ nguyên so với dự báo tại thời điểm tháng 4/2024.

Trong khu vực, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng của Xin-ga-po là 2,6%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 7/2024; Thái Lan 2,3%, giảm 0,3 điểm phần trăm; giữ nguyên tăng trưởng của các nước Ma-lai-xi-a là 4,5%; In-đô-nê-xi-a 5,0% và Phi-li-pin 6,0%. Đối với Việt Nam, WB dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng 6/2024; ADB dự báo đạt 6% (không thay đổi so với dự báo trong tháng 7/2024) và IMF dự báo đạt 6,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng 4/2024.

Trong nước, cơn bão số 3 đã gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, hạ tầng kinh tế - xã hội và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ở các tỉnh phía Bắc. Trước tình hình đó, với quyết tâm nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão lũ, sớm ổn định đời sống của Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng; Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3. Bộ, ngành, địa phương đã theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đồng thời nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đặt ra, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024 của nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho những tháng còn lại của năm. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong quý III và 9 tháng năm 2024 như sau:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 ước tính tăng 7,40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2021 trong giai đoạn 2020-2024[5], đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng của nền kinh tế với tốc độ tăng 11,41%, đây là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong 6 năm gần đây[6]; khu vực dịch vụ tăng 7,51%, đóng góp 47,04%.

Tính chung 9 tháng năm 2024, GDP ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 9 tháng năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, (đóng góp 5,37%) chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2020-2024[7] do chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão số 3 trong tháng 9/2024 nên tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ các năm trước; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19% (đóng góp 46,22%), trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 9,76%[8]; Khu vực dịch vụ tăng 6,95% (đóng góp 48,41%), trong đó một số ngành dịch vụ thị trường duy trì đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế như: bán buôn và bán lẻ tăng 7,56% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 11,03%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,47%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,48%.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,64%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,10%; khu vực dịch vụ chiếm 42,80%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,46% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2023 là 11,80%; 36,98%; 42,61%; 8,61%).

Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,18% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 62,66% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,86%, đóng góp 36,68%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,94%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,05%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,66%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Trong tháng Chín bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 và mưa lớn kéo dài, gây thiệt hại lớn về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản của nhiều tỉnh phía Bắc. Tuy vậy, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III và 9 tháng năm 2024 của cả nước vẫn duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Sản xuất lúa vụ đông xuân và hè thu đạt kết quả khá. Sản lượng một số cây ăn quả tăng khá so với cùng kỳ năm trước do khai thác tối đa thị trường xuất khẩu. Đàn gia cầm cả nước phát triển ổn định. Sản xuất lâm nghiệp thuận lợi do giá gỗ nguyên liệu và hoạt động xuất khẩu sản phẩm gỗ vào các thị trường chính tăng cao.

Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 1.909,2 nghìn ha, giảm 3,6 nghìn ha[9] so với vụ hè thu năm trước, chủ yếu do do ảnh hưởng của hạn hán, nhiễm mặn, nhiều địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cơ cấu cây trồng và mùa vụ. Đến ngày 20/9/2024 cả nước thu hoạch được 1.800,4 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 94,3% diện tích gieo cấy và bằng 100,4% cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của các địa phương, năng suất lúa vụ hè thu năm nay ước đạt 58,1 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với năm trước; sản lượng ước đạt 11,1 triệu tấn, tăng 77,6 nghìn tấn.

Tính đến 20/9/2024, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1.464,9 nghìn ha, bằng 99,6% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 996,6 nghìn ha, bằng 99,1%[10], các địa phương phía Nam đạt 468,3 nghìn ha, bằng 100,5%. Đến nay, lúa mùa tại các địa phương phía Bắc đang trong giai đoạn trỗ bông, một số trà lúa sớm ở giai đoạn vào chắc, chín và đã cho thu hoạch 141,9 nghìn ha, chiếm 14,2% diện tích gieo cấy và bằng 110,4% cùng kỳ năm trước.

Vụ mùa năm nay tại các tỉnh miền Bắc diễn ra trong điều kiện thời tiết bất lợi: mưa lớn kéo dài từ đầu vụ, tiếp đó là chịu ảnh hưởng liên tiếp từ hai cơn bão, đặc biệt là bão số 3 và hoàn lưu bão gây úng ngập[11]. Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, nhiều diện tích lúa mùa bị mất trắng[12] do ảnh hưởng của bão số 3, trong đó Bắc Giang 16,9 nghìn ha; Hải Phòng 10,1 nghìn ha; Nam Định 7,8 nghìn ha; Thái Bình 7,2 nghìn ha; Hưng Yên 5,2 nghìn ha; Thái Nguyên 5,5 nghìn ha; Lạng Sơn 4,1 nghìn ha; Yên Bái 2,4 nghìn ha; Vĩnh Phúc 1,7 nghìn ha; Hà Nam 0,8 nghìn ha.

Đến ngày 20/9/2024 các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo sạ được 626,0 nghìn ha lúa thu đông, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Diện tích lúa thu đông tăng khá do thời tiết thuận lợi, đủ nước tưới, người dân tranh thủ xuống giống. Hiện lúa thu đông đang ở giai đoạn trổ đều. Tuy nhiên, nước thủy triều dâng cao có thể ảnh hưởng đến một số diện tích lúa ở giai đoạn chắc xanh đến chín do đó cần tăng cường công tác giám sát, theo dõi, thông báo kịp thời tình hình thời tiết, sâu bệnh, đồng thời chuẩn bị các phương tiện cần thiết để bảo vệ diện tích lúa thu đông chưa thu hoạch..

Tính đến ngày 20/9/2024, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 815 nghìn ha ngô, bằng 99,0% cùng kỳ năm trước; 74,1 nghìn ha khoai lang, bằng 101,8%; 27,9 nghìn ha đậu tương, bằng 95,3%; 142,1 nghìn ha lạc, bằng 97,7%; 1.022,8 nghìn ha rau đậu các loại, bằng 100,4%. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, một số địa phương có diện tích rau màu bị mất trắng như Hưng Yên 2,26 nghìn ha; Bắc Giang 1,25 nghìn ha; Hà Nam 0,45 nghìn ha; Thái Bình 0,3 nghìn ha; Lào Cai 0,38 nghìn ha; Thái Nguyên 0,36 nghìn ha...

Sản lượng thu hoạch một số cây công nghiệp chủ yếu 9 tháng năm 2024 gồm: Chè búp đạt 927,3 nghìn tấn, tăng 0,1%; cao su đạt 877,6 nghìn tấn, tăng 2,7%; dừa đạt 1.574,7 nghìn tấn, tăng 5,1%; hồ tiêu đạt 244,6 nghìn tấn, tăng 3,2%. Sản lượng thu hoạch một số cây ăn quả đều tăng khá: Sầu riêng đạt 984,8 nghìn tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước; xoài đạt 858,4 nghìn tấn, tăng 3,6%; cam đạt 1.084,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; thanh long đạt 692,8 nghìn tấn, tăng 1,3%.

Chăn nuôi trâu, bò trong 9 tháng năm 2024 có xu hướng giảm[13]. Giá thịt lợn hơi tăng[14] nhưng dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của các hộ chăn nuôi. Chăn nuôi gia cầm tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng trong tháng Chín bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 nhưng nhìn chung đàn gia cầm cả nước duy trì tăng trưởng ổn định, chăn nuôi gia cầm trong doanh nghiệp tăng trưởng khá, dịch bệnh được kiểm soát.

Một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu

Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước 9 tháng năm 2024 ước đạt 200,0 nghìn ha, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 71,3 triệu cây, tăng 3,3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 16.068,9 nghìn m3, tăng 7,0%.

Diện tích rừng bị thiệt hại 9 tháng năm 2024[15], cả nước có 1.445,7 ha rừng bị thiệt hại, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: diện tích rừng bị chặt, phá là 705,3 ha, giảm 23,5%; diện tích rừng bị cháy là 740,4 ha, tăng 10,2%. Tính riêng số diện tích rừng bị ảnh hưởng, thiệt hại do cơn bão số 3 là 190,0 ha.

Hoạt động sản xuất thủy sản trong tháng Chín tại các địa phương ven biển phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Tuy nhiên, nhờ kết quả sản xuất thủy sản tại các địa phương trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long[16] nên hoạt động nuôi trồng thủy sản cả nước duy trì tăng trưởng.

Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng năm 2024 ước đạt 7.019,1 nghìn tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2024 ước đạt 2.638,4 nghìn tấn, tăng 2,2%), bao gồm: Cá đạt 4.918,3 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm đạt 1.081,7 nghìn tấn, tăng 4,1%; thủy sản khác đạt 1.019,1 nghìn tấn, tăng 1,2%.,

Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng năm 2024 ước đạt 4.044,8 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2024 ước đạt 1.617,4 nghìn tấn, tăng 3,4%), bao gồm: Cá đạt 2.595,2 nghìn tấn, tăng 3,8%; tôm đạt 976,0 nghìn tấn, tăng 4,5%; thủy sản khác đạt 473,6 nghìn tấn, tăng 1,7%. Riêng thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra là 35 nghìn ha và hơn 11,8 nghìn lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng. Riêng sản lượng cá tra ước đạt 1.259,5 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 701,4 nghìn tấn, tăng 5,3%; sản lượng tôm sú đạt 210,3 nghìn tấn, tăng 2,2%.

Sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng năm 2024, ước đạt 2.974,3 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2024 ước đạt 1.021,0 nghìn tấn, tăng 0,3%), bao gồm: Cá đạt 2.323,1 nghìn tấn, tăng 0,7%; tôm đạt 105,7 nghìn tấn, tăng 0,7%; thủy sản khác đạt 545,5 nghìn tấn, tăng 0,8%.

Hoạt động sản xuất công nghiệp trong quý III/2024 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 9,59% so với quý III/2023[17]. Tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76%.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,47%; quý II tăng 8,78%; quý III tăng 9,59%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,76% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,39%; quý III tăng 11,41%), đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,11%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,83%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7,01%, làm giảm 0,22 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 9 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép thanh, thép góc tăng 26,7%; xăng dầu tăng 20,3%; thép cán tăng 16,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 15,9%; đường kính tăng 13,5%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,3%; sữa bột tăng 12,1%; ô tô tăng 11,9%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 16,5%; khí hóa lỏng LPG giảm 15,0%; điện thoại di động giảm 7,6%; dầu mỏ thô khai thác giảm 5,9%; than đá (than sạch) giảm 4,2%; bia giảm 2,8%; Alumin giảm 2,3%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2024 giảm 2,1% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,6%).

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2024 tăng 5,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 8,5% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 19,4%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2024 là 76,8% (bình quân 9 tháng năm 2023 là 85,3%).

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/9/2024 tăng 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 5,2% so với cùng thời điểm năm trước.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp[18]

Trong tháng Chín, cả nước có 11,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 92,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 63 nghìn lao động, giảm 16,3% về số doanh nghiệp, giảm 25,5% về vốn đăng ký và giảm 12,3% về số lao động so với tháng 8/2024. So với cùng kỳ năm trước, giảm 5,0% về số doanh nghiệp, giảm 5,8% về số vốn đăng ký và giảm 16,3% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 8,3 tỷ đồng, giảm 11,1% so với tháng trước và giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có gần 6,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,7% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 9 tháng năm 2024, cả nước có gần 121,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.158,5 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 735,0 nghìn lao động, tăng 3,4% về số doanh nghiệp, tăng 3,4% về vốn đăng ký và giảm 3,4% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng năm 2024 đạt 9,5 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm 2024 là 2.310,5 nghìn tỷ đồng, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 61,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 25,0% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm 2024 lên hơn 183,0 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong 9 tháng năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 86,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước; gần 61,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 33,4%; gần 15,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 18,9%. Bình quân một tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2024 cho thấy: Có 34,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý II/2024; 42,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 22,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn[19]. Dự kiến quý IV/2024, có 42,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2024; 40,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ từ đầu năm đến nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2024 tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 7,4% và luân chuyển tăng 12,2%; vận chuyển hàng hóa tăng 13,7% và luân chuyển tăng 10,5%; khách quốc tế đến Việt Nam tăng 43,0%; số lượt người Việt Nam xuất cảnh tăng 6,1%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành quý III/2024 ước đạt 1.591,0 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với quý trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.703,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,1%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,6%). Theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2024 ước đạt 3.630,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 543,0 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 45,6 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 484,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2%.

Trong 9 tháng năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 3.660,2 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,2%) và luân chuyển đạt 204,6 tỷ lượt khách.km, tăng 12,2% (cùng kỳ năm trước tăng 26,7%). Vận tải hàng hóa ước đạt 1.917,9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 14,6%) và luân chuyển 393,4 tỷ tấn.km, tăng 10,5% (cùng kỳ năm trước tăng 11,3%).

D­­oanh thu hoạt động viễn thông chin tháng năm 2024 ước đạt 265,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,9%). Tổng số thuê bao điện thoại tại thời điểm cuối tháng 9/2024 ước đạt 121,7 triệu thuê bao, giảm 4,6% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó, số thuê bao di động là 119,3 triệu thuê bao, giảm 4,8%[20]; số thuê bao truy nhập internet băng rộng cố định ước đạt 23,8 triệu thuê bao, tăng 5,9%.

Trong tháng 9/2024[21], khách quốc tế đến nước ta đạt gần 1,3 triệu lượt người, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 12,7 triệu lượt người, tăng 43,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số 12,7 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 10,8 triệu lượt người, chiếm 84,9% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt gần 1,8 triệu lượt người, chiếm 13,8% và tăng 68,1%; bằng đường biển đạt gần 165,7 nghìn lượt người, chiếm 1,3% và tăng 158,7%.

Số lượt người Việt Nam xuất cảnh[22] trong tháng 9/2024 là 421,8 nghìn lượt người, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 4,1 triệu lượt người, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán

Lãi suất cho vay giảm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng trưởng tín dụng đạt khá. Thị trường bảo hiểm khởi sắc, doanh thu phí bảo hiểm bắt đầu tăng trở lại. Thị trường chứng khoán ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực, thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt.

Tính đến thời điểm 27/9/2024, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,10% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm trước tăng 5,40%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,79% (cùng thời điểm năm trước tăng 6,63%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,53% (cùng thời điểm năm trước tăng 6,24%).

Về thị trường bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý III/2024 ước đạt 56,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165,5 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4%. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 58,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9%; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt gần 107 nghìn tỷ đồng, giảm 6,5%.

Về thị trường chứng khoán, chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tạo động lực dẫn dắt nhà đầu tư trong nước quay trở lại thị trường chứng khoán.

Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 30/9/2024, chỉ số VNIndex đạt 1.287,94 điểm, tăng 0,32% so với cuối tháng trước và tăng 13,98% so với cuối năm 2023; mức vốn hóa thị trường (đến ngày 17/9/2024) đạt 6.904,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3% so với cuối năm 2023. Trong tháng 9/2024, giá trị giao dịch bình quân đạt 13.426 tỷ đồng/phiên, giảm 28,0% so với bình quân tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị giao dịch bình quân đạt 22.655 tỷ đồng/phiên, tăng 28,9% so với bình quân năm 2023.

Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 9/2024 đạt 10.666 tỷ đồng/phiên, giảm 3,4% so với bình quân tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị giao dịch bình quân đạt 10.807 tỷ đồng/phiên, tăng 65,9% so với bình quân năm 2023.

Mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm, sản xuất phục vụ xuất khẩu tăng trưởng tốt, các chính sách về miễn giảm, giãn, hoãn thuế tiếp tục được triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh đã thúc đẩy đầu tư mới và mở rộng sản xuất, tăng cường thu hút và thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội. 9 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 2.417,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9%.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 2.417,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn khu vực Nhà nước đạt 664,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng vốn và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.336,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,3% và tăng 7,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 415,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,2% và tăng 10,7%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam[23] tính đến ngày 30/9/2024 bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn đăng ký cấp mới có 2.492 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt gần 13,55 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 11,3% về số vốn đăng ký; có 1.027 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 7,64 tỷ USD, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước; có 2.471 lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 3,59 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, có 932 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,86 tỷ USD; 1.539 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,73 tỷ USD).

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2024 ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm 2024 có 105 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 177,5 triệu USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm trước; có 20 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh 12,0 triệu USD, giảm 93,0%. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) 9 tháng năm 2024  đạt 189,6 triệu USD, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thu, chi ngân sách Nhà nước[24]

9 tháng năm 2024 ước tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2024 ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: thu nội địa  ước đạt 1.203,1 nghìn tỷ đồng, bằng 83,3% và tăng 18,9%; thu từ dầu thô ước đạt 44,4 nghìn tỷ đồng, bằng 96,6% và giảm 2,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 200,2 nghìn tỷ đồng, bằng 98,1% và tăng 17,6%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2024 ước đạt 1.256,3 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3% dự toán năm và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên ước đạt 856,5 nghìn tỷ đồng, bằng 68,0% và tăng 6,8; chi đầu tư phát triển đạt 320,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,3% và giảm 11,8%; chi trả nợ lãi 77,3 nghìn tỷ đồng, bằng 69,2% và tăng 6,6%.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ[25]

Trong tháng Chín, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 65,81 tỷ USD, giảm 8% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,4%; nhập khẩu tăng 17,3%[26]. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2024 sơ bộ đạt 34,05 tỷ USD, giảm 9,9% so với tháng trước. Quý III/2024, kim ngạch xuất khẩu sơ bộ đạt 108,6 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,6% so với quý II/2024. Tính chung 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 83,47 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 27,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 216,16 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 72,1%. Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2024 sơ bộ đạt 31,76 tỷ USD, giảm 5,9% so với tháng trước. Quý III/2024, kim ngạch nhập khẩu sơ bộ đạt 99,74 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,1% so với quý II/2024. Tính chung 9 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 278,84 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 100,85 tỷ USD, tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 177,99 tỷ USD, tăng 16,5%. Có 40 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,5% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 3 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 45%).

Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng Chín xuất siêu 2,29 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 20,79 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 22,1 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,38 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 38,17 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ 9 tháng năm 2024 ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó dịch vụ du lịch đạt 8,8 tỷ USD (chiếm 50,6% tổng kim ngạch), tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 4,9 tỷ USD (chiếm 28,1%), tăng 7,9%.

Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 9 tháng năm 2024 ước đạt 26,6 tỷ USD (trong đó đã tính trong phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 8,8 tỷ USD), tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 10,7 tỷ USD (chiếm 40,2% tổng kim ngạch), tăng 17,7%; dịch vụ du lịch đạt 9,3 tỷ USD (chiếm 34,7%), tăng 68%.

Nhập siêu dịch vụ 9 tháng năm 2024 là 9,2 tỷ USD.

Giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu bão; một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 97/2023/NĐ-CP[28]; giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng Chín tăng 2,18% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,63%. CPI bình quân quý III/2024 tăng 3,48% so với quý III/2023. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%.

Trong 9 tháng năm 2024, thị trường hàng hóa toàn cầu chịu tác động bởi diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội thế giới. Các cuộc xung đột leo thang, gây bất ổn đối với an ninh, hòa bình thế giới. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt. Trong nước, hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ duy trì theo hướng tăng trưởng ổn định, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phục vụ xuất khẩu. Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, dịch vụ, nguyên nhiên vật liệu quý III và 9 tháng năm 2024 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giảm theo thị trường thế giới.

Trong mức tăng 0,29% của CPI tháng 9/2024 so với tháng trước, có 09 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất với mức tăng 2,09%; tiếp đến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,92%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng tăng 0,52%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,15%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; nhóm bưu chính, viễn thông tăng 0,09%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,03%. Hai nhóm hàng có chỉ số giá giảm gồm: nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,24% và nhóm giao thông giảm 2,77%.

Chỉ số giá vàng tháng 9/2024 tăng 1,88% so với tháng trước; tăng 22,66% so với tháng 12/2023; tăng 32,27% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 9 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 26,27%.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2024 giảm 1,79% so với tháng trước; tăng 1,7% so với tháng 12/2023; tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 5,46%.

Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất

Chỉ số giá sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản quý III/2024 ước tăng 1,47% so với quý II/2024 và tăng 9,34% so với cùng kỳ năm trước; tương tự Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp có mức tăng tương ứng là 0,07% và tăng 1,51%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 0,61% và tăng 5,59%. Tính chung 9 tháng, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,07% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 0,67%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 6,6%.

Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất quý III/2024 ước tăng 0,42% so với quý trước và tăng 3,63% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng 2,65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,77%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,9%; dùng cho xây dựng tăng 0,2%.

Chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa

Quý III/2024, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa ước giảm 0,11% so với quý trước và giảm 0,43% so với cùng kỳ năm 2023; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tương ứng tăng 0,33% và giảm 0,71%; Tỷ giá thương mại hàng hóa (TOT)[29] tương ứng giảm 0,44% và tăng 0,28%. Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa giảm 1,44% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm 1,73%; tỷ giá thương mại hàng hóa tăng 0,29%.

Thị trường lao động, việc làm trong quý III/2024 tiếp tục khởi sắc với lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động[30] tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 210,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212 nghìn người; thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng 519 nghìn đồng; tỷ lệ thất nghiệp là 2,26%, giảm 0,02 điểm phần trăm và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1,99%, giảm 0,03 điểm phần trăm.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý III/2024 ước tính là 52,7 triệu người, tăng 114,1 nghìn người so với quý trước và tăng 238,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5% tương ứng giảm 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 28,5%, tương ứng tăng 0,4 điểm phần trăm và tăng 1,2 điểm phần trăm. Tính chung 9 tháng năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 210,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,5%, giảm 0,4 điểm phần trăm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 28,1%, tăng 1,3 điểm phần trăm.

Lao động có việc làm quý III/2024 ước tính là 51,6 triệu người, tăng 114,6 nghìn người so với quý trước và tăng 244,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động[31] quý III/2024 là 861,4 nghìn người, giảm 86,7 nghìn người so với quý trước và giảm 79,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III/2024 là 1,87%, cùng giảm 0,19 điểm phần trăm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 914,1 nghìn người, giảm 8,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 1,99%, giảm 0,03 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động[32] quý III/2024 là 2,24%, giảm 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,06 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,29%; khu vực nông thôn là 2,2%. Tính chung 9 tháng, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,26%, giảm 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,55%; khu vực nông thôn là 2,07%.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng[33] quý III/2024 là 4,2% (tương ứng với khoảng 2,2 triệu người), trong đó khu vực thành thị là 3,4% và khu vực nông thôn là 4,7%. Tính chung 9 tháng năm 2024, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%, không đổi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 3,8% giảm 0,5 điểm phần trăm; khu vực nông thôn là 4,6%, tăng 0,2 điểm phần trăm.

Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Theo kết quả sơ bộ Khảo sát mức sống dân cư năm 2024[34] tình hình đời sống dân cư trong 9 tháng năm 2024 được cải thiện hơn. Thu nhập bình quân đầu người một tháng trong kỳ 9 tháng năm nay ước đạt gần 5,4 triệu đồng/người/tháng, trong đó thành thị đạt gần 6,7 triệu đồng/người/tháng và nông thôn là gần 4,7 triệu đồng/người/tháng. So với năm 2023, thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2024 tăng 7,8%, cao hơn mức tăng thu nhập năm 2023 so với 2022 (tăng 6,2%).

Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, các ngành và địa phương thực hiện kịp thời, hiệu quả. Theo báo cáo từ địa phương, trong 9 tháng năm nay (tính đến ngày 25/9/2024), lãnh đạo trung ương và địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho nhiều đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 là 19,6 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo là hơn 4 nghìn tỷ đồng; người có công, thân nhân người có công với cách mạng là gần 26,6 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất, bất thường phát sinh tại địa phương là 1,84 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội đã cấp phát hơn 26,6 triệu thẻ BHYT, sổ, thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong tháng Chín, tính đến ngày 25/9/2024, Chính phủ đã có các quyết định cấp 432,6 tấn gạo hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng nặng nề trong cơn bão số 3. Tính chung 9 tháng năm 2024, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân gần 21,8 nghìn tấn gạo, trong đó: Chính phủ hỗ trợ 10,4 nghìn tấn gạo cứu đói nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho 693,4 nghìn nhân khẩu; hỗ trợ hơn 5,9 nghìn tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2024 cho 396,3 nghìn nhân khẩu và 432,6 tấn gạo cho gần 28,9 nghìn nhân khẩu chịu ảnh hưởng do thiên tai.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng tháng 8/2024, cả nước có 6.292/8.162 (khoảng 77,1%)[35] xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó 2.163 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 17 xã so với tháng 7/2024); 471 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 06 xã); bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã; có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm 46% số huyện cả nước) hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2023-2024, cả nước có 2.323 điểm thi với 45.149 phòng thi và 1.071,4 nghìn thí sinh đăng ký dự thi (tăng 4,6% so với năm 2022-2023), trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 1.014,0 nghìn thí sinh, chiếm 94,65%; tổng số học sinh dự thi là 1.067,3 nghìn thí sinh, chiếm 99,6% số thí sinh đăng ký dự thi. Số học sinh đủ điều kiện xét tốt nghiệp là 1.025,4 nghìn thí sinh. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2023-2024 đạt 99,39%, tăng 0,51 điểm phần trăm so với năm 2023-2024.

Tính đến 20/6/2024[36], trên địa bàn toàn quốc đối với giáo dục mầm non: có 15.269 trường mầm non (giảm 0,04% so với năm học 2022-2023); 365,2 nghìn giáo viên mầm non (tăng 2,8%) và 4,85 triệu trẻ em đi học mầm non (giảm 3,4%); đối với giáo dục phổ thông: có 25.901 trường phổ thông (giảm 0,6% so với năm học 2022-2023), bao gồm: 12.170 trường tiểu học, 8.580 trường trung học cơ sở; 2.371 trường trung học phổ thông và 2.780 trường phổ thông nhiều cấp học. Tổng số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy là 829,9 nghìn thầy cô (tăng 2,7%), bao gồm: 390,6 nghìn giáo viên tiểu học, 292,3 nghìn giáo viên trung học cơ sở và 147,0 nghìn giáo viên trung học phổ thông. Tổng số học sinh phổ thông toàn quốc là 18,4 triệu học sinh (tăng 1,6%); bao gồm: 8,9 triệu học sinh tiểu học; 6,5 triệu học sinh trung học cơ sở và gần 3 triệu học sinh trung học phổ thông.

Về giáo dục nghề nghiệp[37], tính đến tháng 8/2024, cả nước có 1.878 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 392 trường cao đẳng (công lập: 291 trường, tư thục: 98 trường, có vốn đầu tư nước ngoài: 03 trường); 428 trường trung cấp (công lập: 199 trường, tư thục: 228 trường, có vốn đầu tư nước ngoài: 01 trường); 1058 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (công lập: 698 trung tâm, tư thục: 358 trung tâm, có vốn đầu tư nước ngoài: 02 trung tâm).

Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm[38]

Trong 9 tháng năm 2024, cả nước có 74,8 nghìn người mắc bệnh sốt xuất huyết (11 ca tử vong); hơn 46,9 nghìn người mắc bệnh tay chân miệng; 3,7 nghìn người sốt phát ban nghi sởi; 67 người tử vong do bệnh dại; 347 người mắc bệnh viêm não vi rút (06 ca tử vong); 14 người mắc viêm màng não do não mô cầu; 01 người mắc cúm A bị tử vong và 01 người mắc bệnh bạch hầu.

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/9/2024 là 244,4 nghìn người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 115,5 nghìn người.

Về ngộ độc thực phẩm, trong 9 tháng 2024 (từ ngày 19/12/2023 đến 18/9/2024) cả nước xảy ra 89 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3.378 người bị ngộ độc (11 người tử vong).

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa luôn được quan tâm; thể thao phong trào được duy trì, thể thao thành tích cao có đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Trong quý III/2024 đoàn thể thao Việt Nam đã tham gia và đạt giải tại một số sự kiện như: Tuyển Wushu Việt Nam giành 4 huy chương vàng, đứng vị trí thứ 4 tại Giải Thái cực quyền thế giới 2024 tại Xin-ga-po; Giải vô địch Trượt băng tốc độ đường ngắn châu Á 2024 tại In-đô-nê-xi-a; Việt Nam dẫn đầu Giải đá cầu vô địch châu Á 2024 và vô địch trẻ châu Á 2024 với 8 huy chương vàng, 6 huy chương bạc diễn ra tại Thừa Thiên - Huế; Giải Cờ vua các nhóm tuổi ASEAN mở rộng năm 2024 tại Lào từ ngày 22-31/8; giành 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 9 huy chương đồng, đứng hạng 4 tại Giải wushu vô địch châu Á 2024; giành 3 huy chương vàng, xếp vị trí thứ hai tại giải Karate vô địch châu Á 2024 tại Trung Quốc; giành huy chương bạc Giải World Championship Billiards 2024.

Tháng Chín số vụ tai nạn giao thông giảm 0,8%, so với tháng trước và giảm 14,2% so với cùng tháng năm trước. Tính chung 9 tháng số vụ tai nạn giao thông tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng Chín (từ 26/8/2024 25/9/2024), cả nước đã xảy ra 1.760 vụ tai nạn giao thông, làm chết 906 người và bị thương 1.251 người. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tai nạn giao thông giảm 14,2%, số người chết giảm 12,0% số người bị thương giảm 14,7%.

Tính chung 9 tháng năm 2024 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 17.629 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.045 người, bị thương 13.167 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 7,2%; số người chết giảm 9,7%; số người bị thương tăng 17,4%. Bình quân một ngày trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn cả nước xảy ra hơn 64 vụ tai nạn giao thông, làm chết 29 người, bị thương 48 người.

Do ô nhiễm môi trường và cháy, nổ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân ở một số địa phương.

Thiệt hại do thiên tai trong tháng Chín và chín tháng năm 2024 chủ yếu do ảnh hưởng mưa lũ và bão, đặc biệt là cơn bão số 3. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 30/9/2024, cơn bão số 3 làm 345 người chết, mất tích; 1.978 người bị thương; 4.713 nhà sập đổ; 401.275 nhà bị hư hại, ngập nước; khoảng 286,6 nghìn ha lúa, hơn 63,3 nghìn ha hoa màu bị hư hại; 44,5 nghìn con gia súc, hơn 5,76 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của các địa phương nơi cơn bão đi qua và hoàn lưu sau bão cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng: Hệ thống giao thông bị chia cắt, thông tin liên lạc bị mất kết nối; trường, lớp học bị thiệt hại ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh, cây xanh đô thị bị gãy đổ nhiều... Ước tính giá trị thiệt hại lên tới 81,8 nghìn tỷ đồng.

Cũng trong chín tháng năm nay trên địa bàn cả nước các cơ quan chức năng[40] đã phát hiện 17,3 nghìn vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 15,8 vụ với tổng số tiền phạt là 224,7 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung chín tháng năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 3.193 vụ cháy, nổ, làm 85 người chết và 87 người bị thương, thiệt hại ước tính 217,4 tỷ đồng, giảm 39,8% so với cùng kỳ năm trước./.

[1] UN (Tháng 9/2024), “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới - cập nhật tháng 9/2024”, https://www.un.org/development/desa/dpad/wp-content/uploads/sites/45/WESP-2024_September_2024_WEB.pdf, truy cập ngày 26/9/2024.

[2] FR (Tháng 9/2024), “Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 9/2024”, https://www.fitchratings.com/research/sovereigns/global-economic-outlook-september-2024-10-09-2024, truy cập ngày 26/9/2024.

[3] OECD (Tháng 9/2024), “Báo cáo Triển vọng kinh tế OECD sơ bộ: Rẽ ngoặt”, https://www.oecd.org/en/publications/oecd-economic-outlook-interim-report-september-2024_1517c196-en.html, truy cập ngày 26/9/2024.

[4] IMF (Tháng 7/2024), “Triển vọng kinh tế thế giới cập nhật - Nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng bế tắc”, https://www.imf.org/-/media/Files/Publications/WEO/2024/Update/July/English/text.ashx, truy cập ngày 26/9/2024.

[5] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III các năm 2020-2024 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 3,11%; 2,52%; 4,67%; 4,30%; 2,58%. Quý III/2021 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 2,52% do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giãn cách xã hội đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản, biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao và dịch tả lợn châu Phi.

[6] Tốc độ tăng/giảm giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III các năm 2019-2024 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 10,38%; 3,46%; -4,83%; 11,24%; 5,59%; 11,41%.

[7] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm 9 tháng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản so với cùng kỳ năm trước các năm 2020-2024 lần lượt là: 1,90%; 3,84%; 3,66%; 3,71% và 3,20%. Trong 9 tháng năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, xâm nhập mặn và dịch tả lợn châu Phi nên tăng thấp.

[8] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng các năm 2011-2024 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 12,06%; 8,10%; 5,91%; 6,21%; 8,78%; 10,49%; 10,76%; 11,51%; 9,91%; 3,20%; 4,36%; 9,99%; 1,94% và 9,76%.

[9] Trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 1.469,8 nghìn ha, giảm 4,6 nghìn ha.

[10] Vùng Đồng bằng sông Hồng gieo cấy 456,2 nghìn ha, bằng 99,1% cùng kỳ năm trước; vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 407,3 nghìn ha, bằng 99,3%; vùng Bắc Trung Bộ đạt 133,1 ha, bằng 98,6%.

[11] Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian tới khả năng thời tiết tiếp tục có mưa vừa, mưa to ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Để khắc phục ảnh hưởng do mưa bão, thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2024, đồng thời tập trung triển khai kế hoạch sản xuất rau màu vụ Đông 2024-2025, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, chủ động thực hiện các biện pháp chuẩn bị ứng phó thiên tai trong thời gian tới.

[12] Theo Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu Thống kê quốc gia: “Diện tích cây hằng năm bị mất trắng: Là diện tích cây trồng sau khi kết thúc thời kỳ gieo trồng, chuyển sang thời kỳ sinh trưởng, phát triển chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh… dẫn đến sản lượng thu được dưới mức 30% so với sản lượng sản xuất ở điều kiện bình thường”.

[13] Chăn nuôi trâu, bò lấy thịt giảm chủ yếu do điều kiện chăn nuôi khó khăn, chi phí chăn nuôi cao, lợi nhuận mang lại thấp, dẫn đến việc giảm số lượng đầu con. Tuy nhiên, đàn bò sữa vẫn phát triển ổn định.

[14] Giá thịt lợn hơi thời điểm 29/9/2024 dao động trong khoảng 64.000 - 70.000 đồng/kg tùy từng địa phương.

[15] Số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tính đến 15/9/2024.

[16] Đồng Bằng sông Cửu Long chiếm hơn 70% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước.

[17] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III các năm 2012-2024 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 8,17%; 4,85%; 6,59%; 9,29%; 7,9%; 9,93%; 9,45%; 9,38%; 2,38%; -4,6%; 10,69%; 4,51%; 9,59%.

[18] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận ngày 03/10/2024. Thực hiện Nghị định số 62/2024/NĐ-CP ngày 07/6/2024 của Chính phủ (có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2024), thời kỳ số liệu về đăng ký doanh nghiệp trong tháng được tính từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng báo cáo. Riêng đối với các chỉ tiêu thời điểm (doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể), thời kỳ số liệu các tháng trước thời điểm 01/8/2024 được tính từ ngày 21 của tháng trước tháng báo cáo đến ngày 20 của tháng báo cáo.

[19] Chỉ số tương ứng của quý II/2024: Có 37,4% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý I/2024; 41,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 21,0% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

[20] Số thuê bao di động giảm là do số lượng thuê bao điện thoại di động 2G giảm theo lộ trình thực hiện mục tiêu Chương trình chuyển đổi số quốc gia và ngành Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý thuê bao di động trả trước, kiểm soát, hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ SIM rác nên số lượng thuê bao di động đăng ký mới giảm đáng kể. Bộ Thông tin và Truyền thông lùi thời điểm dừng công nghệ di động 2G trên toàn quốc đến ngày 15/10/2024 (theo kế hoạch là cuối tháng 9/2024).

[21] Kỳ báo cáo từ ngày 26/8/2024-25/9/2024.

[22] Là công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.

[23] Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận ngày 30/9/2024.

[24] Theo Báo cáo số 245/BC-BTC ngày 27/9/2024 của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước tháng 9 và 9 tháng năm 2024.

[25] Kim ngạch xuất khẩu tính theo giá F.O.B và kim ngạch nhập khẩu tính theo giá C.I.F (bao gồm chi phí vận tải, bảo hiểm của hàng nhập khẩu).

[26] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2023 đạt 497,4 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 259,7 tỷ USD, giảm 8,2%; nhập khẩu đạt 237,7 tỷ USD, giảm 13,9%.

[27] Tổng kim ngạch và giá trị mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ tháng 9/2024 do Tổng cục Hải quan cung cấp ngày 04/10/2024.

[28] Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

[29] Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa so với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa.

[30] Điều tra thu nhập của người lao động được tính trễ 01 tháng. Thu nhập của người lao động là số tiền công/tiền lương hoặc lợi nhuận nhận được từ công việc (bao gồm tiền làm thêm giờ, tiền thưởng, tiền phụ cấp nghề và tiền phúc lợi khác) trong tháng trước thời điểm điều tra. Thu nhập bình quân một lao động đang làm việc là tổng thu nhập của tất cả lao động đang làm việc so với tổng số lao động đang làm việc.

[31] Người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động gồm những người có việc làm mong muốn làm thêm giờ; sẵn sàng làm thêm giờ; thực tế làm dưới 35 giờ/tuần.

[32] Người thất nghiệp là người từ đủ 15 tuổi trở lên mà trong thời kỳ tham chiếu có đầy đủ cả 03 yếu tố: Hiện không làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc. Tỷ lệ thất nghiệp là tỷ lệ phần trăm giữa số người thất nghiệp so với lực lượng lao động.

[33] Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc (hay còn gọi là lao động không sử dụng hết tiềm năng) bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng số lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế.

[34] Khảo sát mức sống dân cư năm 2024 được tiến hành hằng quý vào tháng giữa quý.

[35] Nguyên nhân số xã đạt chuẩn NTM giảm so với kỳ báo cáo trước: do Văn phòng điều phối nông thôn mới đã rà soát lại và đánh giá toàn diện các tiêu chí, số xã đã được UBND cấp tỉnh có Quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới chỉ còn 6.292 xã.

[36] Theo số liệu ước tính của Bộ Giáo dục và Đào tạo

[37] Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

[39] Theo báo cáo nhanh từ Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) ngày 29/9/2024.

[40] Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được các Cục Thống kê tổng hợp.

Vẻ đẹp đơn sơ mộc mạc, thấp thoáng từng nếp nhà và cả con người Bản Cát Cát sẽ khiến bạn không thể nào quên. Bản Cát Cát được mệnh danh là “thiên đường mây của Sapa”, là niềm tự hào của vùng núi rừng Tây Bắc. Mang vẻ đẹp truyền thống của một ngôi làng vùng cao giữa núi rừng hoang sơ, hùng vĩ.

Năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng tốc và phấn đấu thực hiện hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2021-2025. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, dự báo tình hình KT-XH vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục bị tác động bởi diễn biến bất lợi của tình hình thế giới và khu vực; thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc; đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn; sự phục hồi của các doanh nghiệp sau dịch COVID-19 còn chậm; trong khi đó, các yếu tố nền tảng cho sự phát triển của tỉnh như hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghệ,... chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 44/KH-UBND ngày 10/01/2024 thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 25/01/2024 và các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu  thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 để chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung, khẩn trương tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả ngay từ đầu năm các giải pháp, điều hành của Chính phủ về ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng; khắc phục khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Các hội nghị về đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, công tác thu ngân sách, công tác giao chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất và phát triển quỹ đất năm 2024,… được UBND tỉnh tổ chức khẩn trương và chỉ đạo cụ thể, quyết liệt.

Nhờ đó, KT-XH 6 tháng đầu năm 2024 tỉnh Quảng Bình đã đạt những kết quả tích cực: Kinh tế ổn định và tăng trưởng khá, GRDP 6 tháng đầu năm dự ước tăng 6,50% (xếp hạng về tăng trưởng đứng thứ 29 cả nước và đứng thứ 8/14 các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung); sản xuất vụ Đông Xuân đạt kết quả cao; khai thác thủy sản phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; du lịch tăng trưởng nhanh; môi trường đầu tư từng bước được cải thiện; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống văn hóa và tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao; tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội được bảo đảm;...

Kết quả ước tính của một số chỉ tiêu chủ yếu 6 tháng đầu năm 2024 như sau:

- Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh 2010 đạt 14.927,7 tỷ đồng, tăng 6,50% [1] so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 6,90%; kế hoạch năm 2024 tăng 7,0-7,5%);

- Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản theo giá so sánh 2010 tăng 2,93% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2023 tăng 2,54%; kế hoạch năm 2024 tăng 3,0 - 3,5%);

- Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng theo giá so sánh 2010 tăng 9,58% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2023 tăng 8,04%); Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,77% (6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,04%; kế hoạch năm 2024 tăng 8,0-8,5%);

- Giá trị sản xuất dịch vụ theo giá so sánh 2010 tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2023 tăng 8,05%; kế hoạch năm 2024 tăng 7,5-8,0%);

- Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 19,66%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 29,17% (bao gồm cả thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); khu vực dịch vụ chiếm 51,17%;

- Sản lượng lương thực vụ Đông Xuân 2023 - 2024 đạt 213.160,5 tấn, tăng 2,1% so với vụ Đông Xuân năm trước và vượt 10,6% kế hoạch;

- Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm đạt 44.403,6 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ;

- Sản lượng thủy sản đạt 47.584,5 tấn, tăng 2,8% với cùng kỳ năm trước;

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 14.255,1 tỷ đồng, tăng 10,0% so với cùng kỳ năm trước;

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 25.590,9 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, ước tính tổng sản phẩm (theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 đạt 14.927,7 tỷ đồng, tăng 6,50% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.731,0 tỷ đồng, tăng 2,96%, đóng góp 0,62 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 3.998,9 tỷ đồng, tăng 7,96%, đóng góp 2,33 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ đạt 7.709,1 tỷ đồng, tăng 7,03%, đóng góp 4,0 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 488,7 tỷ đồng, tăng 6,90% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 0,25 điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh.

Hình 1. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Sáu tháng đầu năm 2024, sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024 trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, công tác gieo trồng các loại cây hàng năm đảm bảo tiến độ và lịch thời vụ. Năng suất, sản lượng cây lúa và nhiều loại cây trồng tăng so với vụ Đông Xuân năm trước. Hoạt động chăn nuôi nhìn chung phát triển ổn định, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng so với cùng kỳ. Sản xuất thuỷ sản mặc dù gặp một số khó khăn, nhưng tranh thủ thời tiết thuận lợi, các địa phương tích cực vận động ngư dân vươn khơi, bám biển nên sản lượng thuỷ sản có tăng so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực công nghiệp - xây dựng: Sản xuất công nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Một số năng lực mới được đầu tư và đi vào hoạt động như Nhà máy giấy Quảng Bình - Công ty Cổ phần Xenlulo Quảng Bình, Nhà máy sản xuất viên nén gỗ Dũng Nguyệt Anh, Nhà máy bê tông Nghi Sơn Quảng Bình,… góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành công nghiệp. Đối với lĩnh vực xây dựng - đầu tư, ngay từ đầu năm 2024, bên cạnh nhiều công trình, dự án lớn tiếp tục được triển khai thực hiện, một số công trình, dự án mới được khởi công, nhiều công trình đầu tư xây dựng của khu vực hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình cũng được khởi công xây dựng trong những tháng đầu năm góp phần thúc đẩy tăng trưởng khu vực này.

Khu vực dịch vụ: Cùng với sự phát triển các ngành sản xuất, 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn tiếp tục đạt kết quả tích cực. Ngành Du lịch phát triển đã kích thích nhu cầu tiêu dùng xã hội, thị trường giá cả ổn định, cân đối cung cầu vật tư quan trọng và hàng tiêu dùng thiết yếu được đảm bảo,… Nhu cầu du lịch tăng mạnh nên các ngành dịch vụ liên quan như: Bán lẻ hàng hoá, dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành, vận tải, các dịch vụ vui chơi, giải trí,... có nhiều khởi sắc. Ngành Du lịch Quảng Bình cũng đã đẩy mạnh và làm tốt công tác quảng bá du lịch cùng với nhiều hoạt động lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, chất lượng dịch vụ tốt làm cho số lượt khách đến Quảng Bình tăng cao. Khu vực này là khu vực đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung của cả tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 (đóng góp 4,0 điểm % trong tống số 6,50% tăng trưởng GRDP).

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sáu tháng đầu năm 2024, sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024 trong điều kiện thời tiết đầu vụ tương đối thuận lợi, nên công tác gieo trồng các loại cây hàng năm thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo lịch thời vụ đề ra; năng suất lúa và một số loại cây trồng khác tăng. Chăn nuôi phát triển ổn định, công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển đảm bảo an toàn. Sản xuất lâm nghiệp tập trung thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác gỗ từ rừng trồng, phòng cháy và chữa cháy rừng. Hoạt động khai thác, nuôi trồng thuỷ sản phát triển ổn định theo hướng bền vững gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ; nhân rộng các mô hình nuôi thuỷ sản công nghệ cao tại một số địa phương.

* Sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024

Sản xuất vụ Đông Xuân năm nay trong điều kiện thời tiết đầu Vụ tương đối thuận lợi cho bà con nông dân gieo cấy đảm bảo đúng tiến độ, cơ bản hết diện tích, giống lúa được đáp ứng đầy đủ, có chất lượng cao; công tác tưới, tiêu được chủ động, điều tiết hợp lý. Từ ngày 02 - 06/5/2024, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các đợt mưa giông làm một số diện tích lúa bị đổ ngã, tuy nhiên về cơ bản diện tích lúa đổ ngã đã chín, một số địa phương đã thu hoạch gần xong trước đó nên không  ảnh hưởng nhiều đến năng suất, sản lượng lúa.

Ước tính diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm nay thực hiện 53.917,1 ha, giảm 0,1% so với vụ Đông Xuân năm trước. Trong đó, diện tích lúa thực hiện 29.228,5 ha, giảm 0,5% so với vụ Đông Xuân năm trước. Diện tích lúa ở các địa phương: Đồng Hới 837,4 ha, giảm 1,6%; Ba Đồn 2.601,0 ha, giảm 0,9%; Minh Hóa 490,1 ha, giảm 4,1%; Tuyên Hóa 1.436,4 ha, giảm 0,4%; Quảng Trạch 3.482,0 ha, tăng 0,6%; Bố Trạch 5.088,5 ha, giảm 1,2%; Quảng Ninh 5.189,0 ha, tăng 0,1%; Lệ Thủy 10.104,1 ha, giảm 0,5% so với vụ Đông Xuân năm trước. Diện tích gieo trồng một số cây trồng chủ yếu: Ngô 4.115,4 ha, tăng 1,5%; khoai lang 2.304,2 ha, tăng 1,1%; sắn 7.283,0 ha, tăng 8,7%; mía 175 ha, tăng 0,1%; lạc 2.619,5 ha, giảm 14,1%; rau các loại 4.466,0 ha, tăng 0,04%; đậu các loại 491,0 ha, tăng 0,5% so với vụ Đông Xuân năm trước.

Hình 2. Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân

Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự cố gắng của bà con nông dân nhằm nâng cao chất lượng giống, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nên năng suất, sản lượng của cây lúa vụ Đông Xuân năm nay ước tính tăng so với vụ Đông Xuân năm trước.

Ước tính năng suất một số cây trồng chủ yếu vụ Đông Xuân 2023 - 2024 như sau: Năng suất lúa bình quân chung cả tỉnh đạt 64,71 tạ/ha, tăng 3,5% so với vụ Đông Xuân năm trước. Các loại cây trồng khác: Ngô đạt 58,09 tạ/ha, giảm 5,4%; khoai lang đạt 81,36 tạ/ha, tăng 0,8%; lạc đạt 24,17 tạ/ha, giảm 0,2%; cây rau các loại đạt 108,98 tạ/ha, tăng 0,6%; đậu, đỗ các loại đạt 9,15 tạ/ha, giảm 0,6% so với vụ Đông Xuân năm trước.

Sản lượng lương thực vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024 ước đạt 213.160,5 tấn, tăng 2,1% so với vụ Đông Xuân năm trước. Trong đó: Sản lượng thóc 189.123,3 tấn, tăng 3,0% so với năm trước; sản lượng lương thực khác 24.037,2 tấn, giảm 4,5% so với vụ Đông Xuân năm trước.

Diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân năm nay giảm, năng suất và sản lượng một số loại cây trồng chủ yếu tăng so với vụ Đông Xuân năm trước. Nhờ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp đã điều chỉnh cơ cấu diện tích cây trồng chuyển dịch theo hướng tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Công tác chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ vào sản xuất đạt kết quả tốt, nhờ đó đã tạo được sự ổn định về tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Vấn đề đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng được quan tâm đẩy mạnh. Nổi bật là công tác gieo trồng bằng các loại giống mới, giống nguyên chủng, giống cấp I có thời gian sinh trưởng phù hợp, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt và cho năng suất cao được đưa vào sản xuất.

* Triển khai sản xuất vụ Hè Thu 2024

Ngay sau khi hoàn thành thu hoạch lúa Đông Xuân, các địa phương tập trung vào việc triển khai sản xuất vụ Hè Thu đảm bảo đúng lịch thời vụ. Đồng hành với nông dân, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo vụ Hè Thu năm 2024 có kết quả tốt như: Hướng dẫn cơ cấu cây trồng, thời vụ; xây dựng kế hoạch gieo trồng và phương án chống hạn cho cây trồng, phương án phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu Vụ; chuẩn bị triển khai các phương án phòng tránh diễn biến bất thường của thời tiết, nhằm thu hoạch trước mùa mưa bão, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra,… Ngoài ra, các địa phương khuyến khích người dân sử dụng các giống lúa cực ngắn và ngắn ngày, có năng suất, chất lượng, chống chịu khá với sâu bệnh, điều kiện ngoại cảnh bất thuận và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để giảm chi phí trong sản xuất lúa vụ Hè Thu,... Hiện tại nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang xuống giống vụ Hè Thu.

Tính đến ngày 06/6/2024, diện tích lúa Hè Thu đã gieo 15.481 ha, trong đó: Đồng Hới 775 ha, Ba Đồn 2.200, Minh Hóa 460 ha, Tuyên Hóa 1.107ha, Quảng Trạch 3.376 ha, Bố Trạch 2.700 ha, Quảng Ninh 3.501 ha, Lệ Thủy 1.362 ha.

Sáu tháng đầu năm 2024, thời tiết tương đối thuận lợi đã tạo điều kiện tốt cho quá trình sinh trưởng và phát triển cây lâu năm; sản xuất cây lâu năm được phục hồi và phát triển khá so với cùng kỳ năm trước. Các địa phương tập trung chăm sóc, đồng thời triển khai chuyển đổi một số cây kém hiệu quả sang trồng mới một số cây có hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của từng địa phương như thanh long, mít, bưởi, ổi, chanh leo,… Theo đó, diện tích cây lâu năm 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước và có sự chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích các loại cây có thị trường tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế cao.

Tổng diện tích cây lâu năm hiện có 17.960,8 ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây lâu năm chia theo các nhóm cây như sau: Cây ăn quả 4.319,9 ha, tăng 0,3%; cây lấy quả chứa dầu 53,2 ha, tăng 1,3%; cây hồ tiêu 957,3 ha, giảm 3,8%; cây cao su 12.223,4 ha, tăng 1,2%; cây chè 198,3 ha, tăng 13,8%; cây gia vị, cây dược liệu lâu năm 87,2 ha, giảm 5,2%; cây lâu năm khác 121,7 ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng một số cây trồng chủ yếu 6 tháng đầu năm 2024 như sau: Cao su 3.499 tấn, tăng 1,3%; hồ tiêu 669 tấn, giảm 1,5%; chuối 9.495 tấn, tăng 1,1%; cam 500 tấn, tăng 1,0%; bưởi 651 tấn, giảm 0,6%; dứa 772 tấn, tăng 2,3%; mít 1.407 tấn, tăng 0,9%; nhãn 180 tấn, giảm 0,6%; vải 257 tấn, giảm 0,4%; xoài 315 tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2024 nhìn chung phát triển ổn định. Số lượng đàn trâu, bò giảm do một số địa phương không tái đàn; đàn lợn tăng trưởng khá, công tác phòng dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển luôn được quan tâm, đảm bảo an toàn thực phẩm, giá thịt lợn hơi tăng làm động lực thúc đẩy bà con nông dân tăng gia sản xuất và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn; đàn gia cầm phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra, sản lượng xuất chuồng tăng cao nhằm đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp lễ, phục vụ nhu cầu du lịch, ăn uống trên địa bàn tỉnh.

Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý II/2024  đạt 21.844,7 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt trâu đạt 443,0 tấn, giảm 6,1%; thịt bò đạt 1.938,0 tấn, giảm 15,5%; thịt lợn đạt 12.614,6 tấn, tăng 3,6%; thịt gia cầm đạt 6.849,1 tấn, tăng 6,7% (trong đó: thịt gà đạt 5.234,3 tấn, tăng 8,0%) so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 44.403,6 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Thịt trâu đạt 901,0 tấn, giảm 5,2%; thịt bò đạt 3.995,0 tấn, giảm 15,2%; thịt lợn đạt 25.723,0 tấn, tăng 4,5%; thịt gia cầm đạt 13.784,6 tấn, tăng 6,6% (trong đó: thịt gà đạt 10.555 tấn, tăng 7,9%) so với cùng kỳ năm trước.

Hình 3. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng trâu, bò giảm mạnh do giá trâu, bò hơi giảm, hiệu quả kinh tế không cao nên một thời gian dài người chăn nuôi không tái đàn, đặc biệt đàn bò của Công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình đã xuất bán hết từ lâu và chưa tái đàn sản xuất. Sản lượng thịt gà xuất chuồng tăng cao do công tác vệ sinh thú ý thực hiện tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra, đàn gà phát triển mạnh.

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm:

- Bệnh Dịch tả lợn châu Phi: Hiện nay còn 01 xã có dịch chưa qua 21 ngày (xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa). Lũy kế đến ngày 28/5/2024, dịch bệnh đã xảy ra ở 4 hộ/3 thôn/3 xã/3 huyện làm 35 con lợn buộc tiêu hủy với trọng lượng 1.509 kg.

- Bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò: Hiện còn 2 xã (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa và xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch) có dịch chưa qua 21 ngày. Lũy kế đến ngày 04/6/2024, dịch bệnh đã xảy ra tại 39 hộ/22 thôn/12 xã/4 huyện (Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Quảng Ninh và Bố Trạch) làm 57 con bò mắc bệnh, trong đó có 13 con bò chết với trọng lượng 1.928 kg [2].

Sản xuất lâm nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ở các địa phương tập trung chủ yếu vào việc chăm sóc, trồng dặm, trồng bổ sung và triển khai trồng cây phân tán; khai thác gỗ từ rừng trồng, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và tuyên truyền về ý thức bảo vệ rừng cho người dân, tổ chức tập huấn công tác phòng chống, cháy rừng trước khi bước vào mùa nắng nóng.

Ước tính diện tích rừng trồng mới quý II/2024 thực hiện 2.019 ha, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện 3.712 ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, các chủ rừng đang tiến hành chăm sóc rừng lần 1 đối với diện tích rừng trồng mới đúng tiến độ.

Sản lượng gỗ khai thác quý II/2024 ước đạt 178.713 m3, tăng 11,4% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 275.680 m3, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng củi khai thác quý II/2024 ước đạt 91.711 ste, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; 6 tháng đầu năm ước đạt 140.120,0 ste, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm. Triển khai kịp thời công tác tuyên truyền về ý thức bảo vệ rừng cho người dân vùng có rừng; tổ chức tập huấn công tác phòng, chống cháy rừng cho các chủ rừng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phá rừng trái phép,… Từ đầu năm đến nay, thời tiết nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy 31,36 ha, diện tích rừng bị thiệt hại 9,26 ha [3].

Những tháng đầu năm 2024, thời tiết tương đối thuận lợi cho việc khai thác và nuôi trồng thủy sản, sản lượng khai thác và thu hoạch thủy sản tăng. Tình hình dịch bệnh cơ bản kiểm soát tốt, các hộ nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục thu hoạch sản phẩm nuôi trồng; đồng thời cải tạo, tu sửa, gia cố hồ, ao nuôi, bờ đê ruộng lúa để chuẩn bị cho vụ nuôi mới.

Ước tính sản lượng thủy sản quý II/2024 đạt 29.806,5 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 24.847,7 tấn, tăng 2,7%; tôm đạt 1.398,1 tấn, tăng 1,8%; thuỷ sản khác đạt 3.560,7 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 47.584,5 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 39.605,2 tấn, tăng 3,0%; tôm đạt 2.386,3 tấn, tăng 2,0%; thuỷ sản khác đạt 5.593,0 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, khai thác thuỷ sản còn gặp một số khó khăn: Một số tàu đánh bắt hải sản bị hạn chế vùng ngư trường do các ngành chức năng tăng cường công tác chống khai thác IUU; một số tàu thuyền gặp nạn do giông lốc; một số tàu cá thiếu lao động chất lượng cao,... Tuy nhiên nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, giá các mặt hàng thuỷ sản duy trì ổn định, nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng mạnh nên bà con ngư dân tăng cường vươn khơi bám biển, duy trì khai thác nên sản lượng khai thác thuỷ sản tăng so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng khai thác thuỷ sản quý II/2024 đạt 26.602,7 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 22.657,7 tấn, tăng 2,7%; tôm đạt 441,2 tấn, tăng 1,4%; thuỷ sản khác đạt 3.503,8 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng khai thác thủy sản ước 6 tháng đầu năm đạt 42.294,1 tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng chia theo nhóm sản phẩm: Cá đạt 35.985,2 tấn, tăng 3,0%; tôm đạt 836,0 tấn, tăng 1,8%; thủy sản khác đạt 5.472,9 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác chia theo ngư trường: Khai thác biển 40.630,0 tấn tăng 2,9%; khai thác nội địa 1.664,1 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, các cấp, các ngành chức năng và bà con ngư dân đang thực hiện hoạt động khai thác gắn liền với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác hợp pháp, hạn chế các vi phạm khi đánh bắt. Nhờ vậy, sản lượng khai thác của đội tàu các địa phương được duy trì và cơ bản đảm bảo an toàn khi sản xuất. Trong quá trình sản xuất, các sở, ngành, lực lượng chức năng thường xuyên chỉ đạo và triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.

Sáu tháng đầu năm 2024, nuôi trồng thuỷ sản khá ổn định, thời tiết thuận lợi, ít dịch bệnh nên sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính sản lượng nuôi trồng thu hoạch quý II/2024 đạt 3.203,8 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 2.190,0 tấn, tăng 2,8%; tôm đạt 956,9 tấn, tăng 2,0%; thuỷ sản khác đạt 56,9 tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng nuôi trồng thu hoạch 6 tháng ước đạt 5.290,4 tấn, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 3.620,0 tấn, tăng 3,4%; tôm đạt 1.550,3 tấn, tăng 2,1%; thủy sản khác đạt 120,1 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Các loại thủy sản được khuyến khích đưa vào nuôi là tôm thẻ chân trắng, tôm sú, nuôi cua, cá lồng trên sông và các loại cá truyền thống kết hợp đa dạng hóa sản phẩm nuôi trồng. Hiện nay, một số địa phương trong tỉnh đã và đang thực hiện mô hình nuôi hàu đại dương thử nghiệm trên sông; nuôi hàu treo dây ở vùng cửa sông là mô hình mới, bước đầu các hộ dân đã nuôi đạt tỷ lệ sống cao, kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế bền vững trong thời gian tới.

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh các cơ sở sản xuất hiện có đang duy trì hoạt động ổn định (cơ sở chế biến thực phẩm, đồ uống, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, sản xuất và phân phối điện,…), một số năng lực mới được đầu tư và đi vào hoạt động trong thời gian qua (Nhà máy giấy Quảng Bình - Công ty Cổ phần Xenlulo Quảng Bình, Nhà máy sản xuất viên nén gỗ Dũng Nguyệt Anh, Nhà máy bê tông Nghi Sơn Quảng Bình,…) đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành công nghiệp. Ước tính giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp (theo giá so sánh 2010) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,77% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 6 năm 2024 tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 8,8%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý II năm 2024 tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,2%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 6,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,0%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2024 của một số ngành cấp 2 tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng gấp 24,1 lần (tăng cao do Nhà máy giấy Quảng Bình - Công ty CP Xenlulo Quảng Bình mới đi vào hoạt động); sản xuất đồ uống tăng 24,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 12,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) tăng 9,3%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 9,2%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 8,3%. Một số ngành cấp 2 giảm so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 0,6%; khai thác quặng kim loại giảm 2,3%; sản xuất trang phục giảm 2,9%; khai khoáng khác giảm 9,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su plastic giảm 11,8%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 32,7% (ngành sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm mạnh do sản phẩm thuốc tiêu thụ giảm sút nên doanh nghiệp giảm sản xuất).

Hình 6. Chỉ số sản xuất công nghiệp

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2024: Quặng titan đạt 23.227 tấn, giảm 2,3%; đá xây dựng đạt 1.329,1 nghìn m3, giảm 9,9%; cao lanh đạt 30.062 tấn, giảm 27,6%; thủy hải sản chế biến các loại đạt 13.288 tấn, tăng 16,1%; tinh bột sắn đạt 5.812 tấn, tăng 79,8%; bia đóng chai đạt 3.071 nghìn lít, tăng 94,8%; nước khoáng có ga đạt 1.041 nghìn lít, tăng 22,7%; áo quần các loại (trừ áo sơ mi người lớn) đạt 2.039 nghìn cái, giảm 23,9%; áo sơ mi đạt 6.019 nghìn cái, tăng 12,4%; dăm gỗ đạt 160.813 tấn, giảm 7,4%; ván ép từ gỗ đạt 22.703 m3, tăng 38,7%; cao su tổng hợp đạt 634 tấn, tăng 13,7%; kính cường lực đạt 1.377 tấn, giảm 2,5%; clinker thành phẩm đạt 1,1 triệu tấn, giảm 13,1%; xi măng đạt 751.774 tấn, giảm 4,0%; điện gió đạt 220,7 triệu kwh, giảm 19,3%; điện mặt trời đạt 59,9 triệu kwh, tăng 14,3%; điện thương phẩm đạt 585 triệu kwh, tăng 12,7%; nước máy thương phẩm đạt 7.352 nghìn m3, tăng 8,0%.

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm và xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm có ý nghĩa quan trọng tạo ra động lực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong những tháng đầu năm 2024, nhiều công trình, dự án lớn tiếp tục được triển khai thực hiện như: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch; Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua Quảng Bình; dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; Dự án Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh Quảng Bình; Dự án Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh;… Một số công trình, dự án mới được khởi công trong năm như: Dự án Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình; Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét;… Bên cạnh đó, các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn tỉnh cũng đang tiếp tục được các chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024.

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn: Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh trong quý II năm 2024 ước tính đạt 8.013,0 tỷ đồng, tăng 28,4% so với quý trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt 14.255,1 tỷ đồng, tăng 10,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn đầu tư thực hiện của khu vực nhà nước đạt 3.010,8 tỷ đồng, tăng 0,8%; khu vực ngoài nhà nước đạt 11.224,4 tỷ đồng, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,9 tỷ đồng, giảm 24,0% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh do địa phương quản lý: Trong tháng 6 năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn NSNN trên địa bàn tỉnh do địa phương quản lý ước tính đạt 362,0 tỷ đồng, tăng 3,6% so với tháng trước và giảm 10,0% so với cùng kỳ năm trước; Quý II năm 2024 đạt 1.063,6 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn NSNN trên địa bàn tỉnh do địa phương quản lý đạt 2.097,0 tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn NSNN cấp tỉnh đạt 1.445,7 tỷ đồng, tăng 0,5%; vốn NSNN cấp huyện đạt 388,5 tỷ đồng, giảm 11,9%; vốn NSNN cấp xã đạt 262,8 tỷ đồng, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 7. Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN trên địa bàn tỉnh do địa phương quản lý

Hoạt động thương mại tháng 6/2024 tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá; lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Tháng 6 là tháng bước vào mùa du lịch cao điểm, nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí và đi lại của người dân tăng cao đã tác động tích cực đến doanh thu hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Bên cạch đó, nhiều doanh nghiệp có chính sách khuyến mãi, chương trình giảm giá các mặt hàng nhằm kích cầu tiêu dùng; không khí mua sắm, vui chơi tại các siêu thị, trung tâm thương mại trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 4.330,5 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ. Hầu hết các nhóm hàng hóa đều tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ, cụ thể: Nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 1.611,5 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 10,2% so với cùng kỳ; nhóm may mặc ước đạt 569,6 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 725,1 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ; nhóm ô tô các loại ước đạt 242,9 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 9,0% so với cùng kỳ; nhóm xăng dầu các loại ước đạt 416,4 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 15,2% so với cùng kỳ,… Chỉ riêng nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục đạt 31,8 tỷ đồng, giảm 2,5% so với tháng trước (do tháng 6, học sinh đã nghĩ hè) và tăng 15,9% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tính quý II/2024 đạt 12.852,4 tỷ đồng, tăng 0,9% so quý trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ, trong đó các nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ đó là: Nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 4.804,3 tỷ đồng, tăng 10,8%; nhóm may mặc ước đạt 1.688,8 tỷ đồng, tăng 11,4%; nhóm xăng dầu các loại ước đạt 1.237,3 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 25.590,9 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ, trong đó các nhóm ngành đều tăng cao so với cùng kỳ. Chiếm tỷ trọng và tăng cao nhất là nhóm lương thực, thực phẩm đạt 9.715,1 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ, đóng góp tăng cao nhất 4,7 điểm phần trăm trong tổng số tăng chung của tổng mức bán lẻ hàng hóa.

Hình 8. Tổng mức bán lẻ hàng hóa

Sáu tháng đầu năm 2024, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển nhờ sự đóng góp tích cực của ngành Du lịch, đó là thông qua việc tạo ra nhu cầu tiêu dùng ở địa phương. Khách du lịch thường muốn trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và sản phẩm địa phương khi họ đến một địa điểm mới, điều này thúc đẩy nhu cầu mua sắm cho các sản phẩm địa phương như đồ thủ công, đặc sản và quà lưu niệm,... Bên cạnh đó các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, qua đó phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm ở các cơ sở kinh doanh trong việc thực hiện niêm yết giá, kiểm định, ghi nhãn mác; buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an sinh xã hội.

b) Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành

Tháng 6/2024, một chuỗi sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao hấp dẫn du khách trong và ngoài nước sẽ diễn ra vào mùa cao điểm du lịch hè 2024 nhằm thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm: Chương trình nghệ thuật đặc biệt: “Quảng Bình hành trình khát vọng - phát triển” chào mừng lễ kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2024), 75 năm ngày Quảng quật khởi (15/7/1949-15/7/2024), 35 năm ngày tái lập tỉnh (01/7/1989-01/7/2024); Hội thảo phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng Quảng Bình; Tuổi trẻ Quảng Bình đồng hành với du lịch; Khai trương ra mắt các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới tại các khu, điểm, sản phẩm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh và các nền tảng số,… Qua đó để tạo ấn tượng và nâng cao thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Bình, bước đầu xây dựng sự kiện thường niên tiến tới tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt.

Sáu tháng đầu năm 2024, hoạt động du lịch ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Nhiều hoạt động lễ hội được tổ chức với quy mô lớn và chất lượng dịch vụ tốt để phục vụ du khách và đã đạt được những tín hiệu đáng mừng khi thu hút lượng lớn khách du lịch đến tỉnh. Ngành Du lịch Quảng Bình cũng đã đẩy mạnh và làm tốt công tác quảng bá du lịch địa phương thông qua các nền tảng số với nội dung phong phú, chuyên biệt cho từng thị trường trọng điểm và trên các cơ quan thông tấn, báo chí, phương tiện truyền thông. Vì vậy doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 6/2024 ước đạt 69,3 tỷ đồng, tăng 15,0% so với tháng trước và tăng 22,5% so với cùng kỳ; quý II/2024 ước đạt 183,1 tỷ đồng, tăng 29,6% so với quý trước, tăng 19,8% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đầu năm 2024 đạt 324,3 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ.

Số lượt khách lưu trú tháng 6/2024 ước đạt 210.636 lượt khách, tăng 16,1% so với tháng trước và tăng 25,5% so với cùng kỳ; quý II/2024 ước đạt 555.516 lượt khách, tăng 32,3% so với quý trước, tăng 18,6% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đầu năm 2024 đạt 975.517 lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ.

Ngày khách tháng 6/2024 ước đạt 213.348 ngày khách, tăng 11,7% so với tháng trước và tăng 15,2% so với cùng kỳ; quý II/2024 ước đạt 576.596 ngày khách, tăng 30,1% so với quý trước, tăng 13,8% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.019.856 ngày khách, tăng 11,3% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 6/2024 ước đạt 426,1 tỷ đồng, tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ; quý II/2024 ước đạt 1.205,9 tỷ đồng, tăng 19,9% so với quý trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đầu năm 2024 đạt 2.211,9 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ.

Hình 9. Dịch vụ lưu trú, ăn uống

Doanh thu hoạt động lữ hành tháng 6/2024 ước đạt 65,5 tỷ đồng, tăng 11,0% so với tháng trước và tăng 33,6% so với cùng kỳ; quý II/2024 ước đạt 179,3 tỷ đồng, tăng 23,0% so với quý trước và tăng 36,0% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đầu năm 2024 đạt 325,1 tỷ đồng, tăng 38,1% so với cùng kỳ.

Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 6/2024 ước đạt 86.604 lượt khách, tăng 11,6% so với tháng trước và tăng 6,6% so với cùng kỳ; quý II/2024 ước đạt 236.310 lượt khách, tăng 27,6% so với quý trước, tăng 8,8% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đầu năm 2024 đạt 421.559 lượt khách, tăng 9,3% so với cùng kỳ.

Số ngày khách du lịch lữ hành tháng 6/2024 ước đạt 97.272 ngày khách, tăng 12,0% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ; quý II/2024 ước đạt 264.744 ngày khách, tăng 29,0% so với quý trước, tăng 10,3% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đầu năm 2024 đạt 469.950 ngày khách, tăng 10,8% so với cùng kỳ.

Hình 10. Du lịch lữ hành 6 tháng đầu năm 2024.

c) Các ngành kinh doanh dịch vụ

Sáu tháng đầu năm 2024, ngành du lịch phát triển nhanh, theo đó các hoạt động như vui chơi và giải trí được du khách quan tâm sử dụng. Các khu vui chơi giải trí, dịch vụ spa, nhà hàng, quán bar,… thường trở thành điểm đến cho du khách muốn thưởng thức và nghỉ ngơi. Cùng với đó, hoạt động xây dựng đang có nhiều khởi sắc, kéo theo sự phát triển của các dịch vụ khác như: cho thuê máy móc, vệ sinh công trình, sử dụng lao động thời vụ,… do đó doanh thu các ngành kinh doanh dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.

Dự ước doanh thu các ngành kinh doanh dịch vụ tháng 6/2024 đạt 229,4 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ. Đa phần các nhóm dịch vụ đều tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ, cụ thể: Nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản ước đạt 67,4 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 10,6% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 43,9 tỷ đồng, tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí ước đạt 34,3 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng trước, tăng 22,5% so với cùng kỳ,… Riêng có 2 nhóm giảm so với tháng trước, cụ thể: nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo ước đạt 4,2 tỷ đồng, giảm 2,0% so với tháng trước (do tháng 6 kết thúc năm học) nhưng tăng 11,8% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ khác ước đạt 43,9 tỷ đồng, giảm 0,1% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ.

Doanh thu các ngành kinh doanh dịch vụ quý II/2024 ước đạt 680,3 tỷ đồng, tăng 2,0% so với quý trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ.

Sáu tháng đầu năm 2024, doanh thu các ngành kinh doanh dịch vụ đạt 1.347,0 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Trong đó, các nhóm dịch vụ đều tăng cao từ 7,9%-14,1% so với cùng kỳ, cụ thể: Nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản tăng 8,3% đóng góp tăng 2,4 điểm phần trăm; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 8,6% đóng góp tăng 1,6 điểm phần trăm; nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 11,5% đóng góp tăng 1,6 điểm phần trăm; nhóm dịch vụ khác tăng 12,1% đóng góp tăng 2,5 điểm phần trăm trong tổng số tăng chung của nhóm các ngành kinh doanh dịch vụ.

Hoạt động vận tải tháng 6/2024 tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, tháng có nhiều sự kiện, lễ hội lớn của tỉnh đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm nên nhu cầu đi lại của người dân tăng; bên cạnh đó, vận tải hàng hoá cũng duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hoá phục vụ tốt trong mùa du lịch, cũng như nhu cầu vận chuyển nguyên, vật liệu, thiết bị phục vụ cho các dự án, công trình làm cho doanh thu vận tải tăng cao so với cùng kỳ. Ước tính doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát tháng 6/2024 đạt 506,8 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ. Quý II/2024 ước đạt 1.505,7 tỷ đồng, tăng 3,8% so với quý trước và tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước.Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát đạt 2.957,0 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ, trong đó: Vận tải hành khách đạt 511,0 tỷ đồng, tăng 15,8%; vận tải hàng hóa đạt 2.257,0 tỷ đồng, tăng 12,0%; dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát đạt 189,0 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hình 11. Doanh thu hoạt động vận tải 6 tháng đầu năm 2024

Ước tính tháng 6/2024, số lượt hành khách vận chuyển đạt 3,4 triệu hành khách, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 16,5% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 151,9 triệu hành khách.km, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Quý II/2024, số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 10,0 triệu hành khách, tăng 2,1% so với quý trước và tăng 16,4% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 452,0 triệu hành khách.km, tăng 2,0% so với quý trước và tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, số lượt hành khách vận chuyển đạt 19,8 triệu hành khách, tăng 15,8%; số lượt hành khách luân chuyển đạt 895,3 triệu hành khách.km, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính tháng 6/2024, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 3,3 triệu tấn, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 224,6 triệu tấn.km, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ. Quý II/2024, khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 9,7 triệu tấn, tăng 4,5% so với quý trước và tăng 13,8% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 664,9 triệu tấn.km, tăng 4,0% so với quý trước và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 18,9 triệu tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 1.304,3 triệu tấn.km, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động khám chữa bệnh trong 6 tháng năm 2024 hầu hết các chỉ tiêu chuyên môn về khám chữa bệnh được thực hiện theo đúng tiến độ. Ngành Y tế tiếp tục duy trì và phát huy tốt hoạt động khám chữa bệnh tại các tuyến, đặc biệt là bệnh viện tuyến huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Sở Y tế; tổ chức phục vụ kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân. Dự ước 6 tháng đầu năm 2024, các cơ sở y tế nhà nước đã khám chữa bệnh cho 563.034 lượt người; trong đó: tuyến tỉnh 58.117 lượt người, tuyến huyện 244.818 lượt người, tuyến xã 260.099 lượt người.

Tình hình các bệnh truyền nhiễm 6 tháng năm 2024 đều được kiểm soát tốt. Tính từ đầu năm đến ngày 22/5/2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 171 ca sốt xuất huyết. Ngày 16/5/2024, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Công văn số 879/UBND-NCVX về việc chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Công tác an toàn thực phẩm 6 tháng năm 2024 được chú trọng mạnh mẽ, các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao vai trò, trách nhiệm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giết mổ, chế biến thực phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tính đến ngày 16/5/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ ngộ độc và 117 ca ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ, các bệnh nhân đã được nhập viện điều trị kịp thời.

Năm học 2023 - 2024, toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 với chủ đề năm học là: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”; ngành Giáo dục Quảng Bình tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh, các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong 6 tháng đầu năm ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng như sau:

Về kết quả thi học sinh giỏi cấp Quốc gia: Kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia trung học phổ thông năm học 2023 - 2024, Quảng Bình có 67 học sinh dự thi. Kết quả có 47 học sinh đoạt giải, đạt tỉ lệ 70,15% trên tổng số học sinh dự thi (trong đó: 7 giải Nhì, 17 giải Ba và 23 giải Khuyến khích).

Về kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9, 12 cấp tỉnh năm học 2023 - 2024: Kết quả thi chọn học sinh giỏi lớp 9 có 419 học sinh đoạt giải, chiếm tỷ lệ 49,01%, trong đó: 21 giải Nhất, 68 giải Nhì, 137 giải Ba, 193 giải Khuyến khích; Kết quả thi chọn học sinh giỏi lớp 12, có 489 học sinh đoạt giải, chiếm tỷ lệ 49%, trong đó: 18 giải Nhất, 84 giải Nhì, 172 giải Ba, 215 giải Khuyến khích.

Thông qua kỳ thi phát hiện những học sinh xuất sắc nhất để tiếp tục bồi dưỡng tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia trong thời gian tới. Thành tích mà các học sinh đạt được, khẳng định quyết tâm lớn của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng dạy học, sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ thầy cô giáo và học sinh, qua đó làm dày thêm sổ vàng truyền thống học sinh giỏi của các trường, của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Bình, hướng đến mục tiêu đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương đất nước.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025: Toàn tỉnh có 13.747 thí sinh đăng ký dự thi (tăng 895 em so với kỳ thi năm trước); trong đó, thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp có 780 thí sinh đăng ký dự thi (giảm 26 em so với kỳ thi năm trước), tuyển sinh vào Trường THPT Dân tộc Nội trú có 258 thí sinh đăng ký dự thi (tăng 50 em so với kỳ thi năm trước). Có 13.663 thí sinh đang học lớp 9 và 86 thí sinh tự do (77 thí sinh tự do trong tỉnh, 9 thí sinh tự do ngoại tỉnh), 196 thí sinh thuộc đối tượng tuyển thẳng.

Về phương thức tuyển sinh vào lớp 10 năm nay giữ ổn định như năm trước (kết hợp thi tuyển với xét tuyển đối với các trường THPT không chuyên và Trường THPT Dân tộc Nội trú; thi tuyển đối với Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp; xét tuyển đối với Trung tâm GDTX tỉnh, các trung tâm GDNN-GDTX). Điểm mới trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay đó là: Tổ chức thi 02 môn Toán, Ngữ văn, thời gian làm bài thi mỗi môn thi là 120 phút; Tuyển sinh vào Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, không áp dụng miễn thi môn Tiếng Anh (chung) khi thí sinh có các chứng chỉ, không tổ chức tuyển sinh lớp không chuyên, tăng 1 lớp chuyên Văn. Theo kế hoạch kỳ thi diễn ra vào ngày 04/6/2024. Riêng lịch thi vào lớp 10 THPT chuyên Võ Nguyên Giáp tổ chức thi thêm môn chuyên và môn Tiếng Anh vào ngày 05/6/2024.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2024: Toàn tỉnh có 11.246 thí sinh đăng ký dự thi (tăng 78 thí sinh so với năm 2023), trong đó: 10.856 thí sinh đang học lớp 12 chiếm tỉ lệ 96,54% và 390 thí sinh thí sinh tự do (62 thí sinh tự do chưa tốt nghiệp và 328 thí sinh tự do đã tốt nghiệp) chiếm tỉ lệ 3,46%; 8.886 thí sinh thi để xét tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng chiếm tỉ lệ 79,01%; 2.032 thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp chiếm tỉ lệ 18,07%; 328 thí sinh thi chỉ để đăng ký xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng chiếm tỉ lệ 2,92%.

Toàn tỉnh tổ chức một Hội đồng thi dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh Quảng Bình do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, dự kiến tổ chức thi tại 30 điểm. Lịch thi sẽ được tổ chức từ ngày 27 - 28/6/2024 (ngày thi dự phòng là 29/6/2024).

Trong năm học 2024, chỉ tiêu tuyển sinh Trường Đại học Quảng Bình 790 chỉ tiêu hệ đại học, cao đẳng chính quy, trong đó: hệ đại học 760 chỉ tiêu; cao đẳng sư phạm 30 chỉ tiêu. Hiện tại, Trường Đại học Quảng Bình tiếp tục thông báo tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm học 2024.

3. Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao

Hoạt động văn hoá, thể thao 6 tháng đầu năm 2024 diễn ra sôi nổi với các hoạt động chào đón năm mới 2024, tết Nguyên đán Giáp Thìn, các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước như Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch, 49 năm ngày Giải phóng Miềm nam thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5. Trong đó, nổi bật: chương trình “Phong Nha Countdown Party 2024”, Tuần lễ Văn hoá - Thể thao - Du lịch và Hội Rằm tháng 3 âm lịch ở Minh Hoá; Tuần Văn hóa - Du lịch Đồng Hới năm 2024. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đã tạo không khí tươi mới, phấn khởi trên địa bàn toàn tỉnh trong mỗi dịp kỷ niệm.

Ngày 02/6/2024, tại Quảng trường Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604 - 2024), 75 năm ngày Quảng Bình quật khởi (15/7/1949 - 15/7/2024) và 35 năm ngày tái lập tỉnh (01/7/1989 - 01/7/2024). Lễ kỷ niệm được tổ chức trang trọng với chương trình nghệ thuật đặc sắc. Chương trình đã thể hiện được niềm tự hào, tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền nhân và thế hệ cha ông đã có công xây dựng và gìn giữ quê hương, đất nước; đồng thời khẳng định quyết tâm, bản lĩnh của Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình trong giai đoạn phát triển mới.

Thể thao phong trào sôi nổi với các hoạt động thể thao như: giải cầu lông, bóng đá, bóng chuyền; các trò chơi dân gian: kéo co, đánh đu, chơi Hội Bài chòi,...tạo không khí vui tươi cho người dân trong dịp Tết. Giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia năm 2024 trên sông Nhật Lệ, giải Marathon khám phá Quảng Bình “Quảng Bình Discovery Marathon” lần thứ IV - 2024 là một trong những giải đấu phong trào đáng chú ý trong 6 tháng đầu năm 2024.

Tính đến hết ngày 19/5/2024, các đội tuyển thể thao thành tích cao Quảng Bình đã thi đấu đạt được 78 huy chương các loại (16HCV; 23HCB; 39HCĐ); trong đó có 5 huy chương quốc tế (3HCV; 1HCB; 1HCĐ)

4. Tình hình trật tự an toàn xã hội

Tình hình trật tự an toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2024 được chú trọng đẩy mạnh. Ngày 15/5/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 869/UBND-KT về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. UBND yêu cầu các đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân. Lũy kế 5 tháng năm 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 90 vụ tai nạn giao thông, tăng 54 vụ so với cùng kỳ năm trước, trong đó: đường bộ 90 vụ tăng 55 vụ, đường sắt không xảy ra giảm 1 vụ, đường thuỷ không xảy ra bằng cùng kỳ. Số người chết do tai nạn giao thông 48 người, tăng 30 người so với cùng kỳ. Số người bị thương do tai nạn giao thông 55 người, tăng 21 người so với cùng kỳ.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, tính chung 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ cháy với giá trị thiệt hại tạm ước tính 3.004,88 triệu đồng.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xãy ra 3 vụ lốc xoáy, làm 1 người chết; 10 ngư dân mất tích; 5 nhà bị hư hại; diện tích lúa bị thiệt hại 10 ha, ước tính thiệt hại 54,5 triệu đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ.

6. Tình hình nổi bật khác về xã hội

Từ đầu năm đến nay, dựa trên nhu cầu tìm kiếm việc làm của lao động trong tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Quảng Bình đã liên tục tổ chức các phiên giao dịch nhằm hỗ trợ cho các đơn vị tuyển dụng và lao động cần việc làm có được công việc ổn định, giảm tối đa nạn thất nghiệp, dôi thừa lao động, ảnh hưởng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Trong bối cảnh thị trường lao động còn nhiều khó khăn, song toàn tỉnh vẫn tích cực giải quyết việc làm cho người lao động. Tính từ đầu năm đến nay, Quảng Bình đã giới thiệu việc làm, cung ứng và tuyển lao động với hơn 8.000 lượt người. Để hỗ trợ người lao động vững vàng phát triển kinh tế từ nghề nghiệp ở nước ngoài, cũng như nâng cao chất lượng nguồn lao động địa phương trên thị trường các nước như Nhật Bản, Đài Loan, đặc biệt là Hàn Quốc, Trung tâm DVVL đã tập trung đào tạo 3 yếu tố quan trọng là tay nghề, vốn ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật. Cùng với việc đào tạo ngoại ngữ, Trung tâm đã tập trung trang bị các kỹ năng nghề cơ bản, đồng thời giáo dục định hướng cho người lao động, chủ yếu là các kiến thức về văn hóa ứng xử, hiểu biết pháp luật,… của nước sở tại.

Với mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo, thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh, đào tạo nghề. Một số mô hình hỗ trợ đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã theo hình thức liên kết giữa đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đào tạo nghề với cung cấp nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm đã mang lại hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Phấn đấu tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 17.000 người. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy ưu thế trong công tác tư vấn, hướng nghiệp phân luồng, tổ chức tư vấn, tuyển sinh trực tuyến và trực tiếp, phấn đấu trong năm 2024 tuyển sinh, đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng cho 17.000 người, trong đó cao đẳng 250 người, trung cấp 1.750 người, với chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 40%; đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng cho 15.000 người, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 5.000 lao động.

Ước tính đến 30/6/2024, có 11.726 lao động được giải quyết việc làm, đạt 60,1% kế hoạch năm, trong đó có 3.611 lao động được tuyển chọn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 72% kế hoạch năm. Vay vốn giải quyết việc làm đạt 165.388 triệu đồng với 2.979 lượt lao động vay vốn, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 3.000 lao động.

Từ đầu năm đến nay, trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm; 14.039 lượt người được tư vấn về các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách việc làm, học nghề; giới thiệu việc làm, cung ứng và tuyển lao động: 8.607 lượt người; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho 1.384 người; 62 người được hỗ trợ học nghề.

Những năm trở lại đây, tỉnh Quảng Bình luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là định hướng những ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, đào tạo nghề gắn với sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình, nhất là các hộ nghèo đã chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo, trong đó các đối tượng người cao tuổi, người nghèo, bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn luôn được lãnh đạo Tỉnh quan tâm và ưu tiên hàng đầu.

Nhằm truyên tuyền nâng cao nhận thức của người nghèo về các nội dung của Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Trong 2 ngày 09/5 và 14/5/2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị truyền thông, tuyên truyền Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 cho gần 170 đại biểu là cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo các huyện, xã, trưởng thôn/bản, đại diện thành viên của gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo của 2 huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa.

Đến thời điểm hiện tại các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững so với kế hoạch đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng lao động tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ, tạo thêm nhiều việc làm mới nhằm giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân; các chế độ chính sách liên quan đến hộ nghèo và chính sách an sinh xã hội thực hiện tốt hơn, nhiều mô hình phát triển sản xuất tại cộng đồng,... được các địa phương quan tâm, hướng dẫn, định hướng cho người nghèo tham gia nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo, đã xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Các chương trình, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, người nghèo triển khai thực hiện có hiệu quả, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ và kịp thời đã giúp cho người nghèo giảm bớt khó khăn, từ đó tạo điều kiện cải thiện cuộc sống người dân. Một số nội dung của Chương trình đã thực sự đi vào cuộc sống, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và của chính người nghèo. Đời sống của người nghèo, cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được cải thiện rõ rệt.

Trong quý II/2024, hơn 50 thầy thuốc của bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng các đơn vị y tế địa phương đã khám bệnh tại 2 xã miền núi Lâm Thuỷ (Lệ Thuỷ), Trường Sơn (Quảng Ninh) tham gia chương trình “Khám bệnh vì một Việt Nam khoẻ mạnh hơn” để thăm khám, chăm sóc sức khoẻ, tri ân gia đình có công với cách mạng và người dân có hoàn cảnh khó khăn. Cấp phát thuốc miễn phí, truyền thông giáo dục sức khoẻ cho gần 1.500 người dân là gia đình chính sách, người có công với cách mạng; các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; người cao tuổi có bệnh lý nền, người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn,…Cũng trong chương trình, Ban tổ chức đã trao tặng 20 phần quà cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật; hỗ trợ 10 ca mổ tim bẩm sinh từ 13 tuổi (trị giá 50 triệu đồng/ca); tặng nước rửa tay và những phần quà cho các trường học trên địa bàn.

Cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trên toàn tỉnh còn tích cực huy động nguồn lực xã hội để chung tay chăm lo, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích cho trẻ. Qua đó, tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi để trẻ em được học tập, vui chơi, bảo đảm các quyền cơ bản để phát triển toàn diện.

Khái quát lại, Quảng Bình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 bên cạnh những khó khăn, thách thức vẫn có nhiều thuận lợi. Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, điều hành của Chính phủ về về phát triển KT-XH, khắc phục khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội bảo đảm toàn diện, đa tầng, bền vững, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 2024 đạt 7,0% - 7,5%.

Sáu tháng đầu năm 2024 tỉnh Quảng Bình đã đạt những kết quả đáng ghi nhận: Kinh tế ổn định và tăng trưởng khá, GRDP 6 tháng đầu năm ước tính tăng 6,50%; sản xuất vụ Đông Xuân đạt kết quả tích cực; khai thác thủy sản phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; du lịch tăng trưởng nhanh; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống văn hóa và tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao; tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội được bảo đảm;...

Trong thời gian tới, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các ngành, các cấp, các địa phương cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

- Tích cực triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, điều hành của Chính phủ về ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và đẩy mạnh việc thực hiện các khâu đột phá giai đoạn 2021 - 2025.

- Kế thừa và phát huy những kết quả trong thời gian qua; không chủ quan, tự mãn với thành tích đã đạt được; quán triệt, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực một cách hiệu quả, trước hết là trong hệ thống hành chính nhà nước; kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

- Tiếp tục thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, thúc đẩy kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế. Thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, thúc đẩy kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế. Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

- Xây dựng cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động.

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm thượng tôn pháp luật. Nâng cao chất lượng, hiệu quả một số hoạt động hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và thi hành án; chú trọng công tác trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phát triển KT-XH 10 năm 2021 - 2030, 5 năm 2021 - 2025, các khâu đột phá giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh về: (1) Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; (2) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; (3) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; (3) Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển KT-XH. Tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng kéo dài.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị. Tiếp tục phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng thương mại điện tử, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn,...

- Quán triệt chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát huy giá trị văn hóa và con người Quảng Bình trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển KT-XH. Khai thác tối ưu và hợp lý các di sản văn hóa, thiên nhiên, đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Quan tâm hơn nữa đến công tác an sinh xã hội và đời sống Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đẩy mạnh việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển KT-XH. Tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị - xã hội và an toàn, an ninh cho Nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển KT-XH.

Trên cơ sở các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu nêu trên, các sở, ngành và địa phương cụ thể hóa các cơ chế, giải pháp, chính sách bảo đảm sự thống nhất về các nguyên tắc, mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành và từng địa phương để thực hiện thành công kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024./.

[1] Nguồn: Công văn số 1028/TCTK-TKQG ngày 29/5/2024 của Tổng cục Thống kê về việc thông báo số liệu GRDP ước tính quý II, 6 tháng đầu năm 2024.

[2] Nguồn: Báo cáo số 272/BC-CNTY ngày 06/6/2024 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y

[3] Nguồn: Báo cáo số 588/BC-CCKL ngày 30/5/2024 của Chi cục Kiểm lâm